Thí sinh thi tối đa 8 môn
Ông Mai Văn Trinh cho biết: Năm nay, đối với các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sẽ dự thi ở các cụm thi liên tỉnh (do trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GDĐT), thí sinh đỡ phải đi xa hơn các năm trước, sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi;
Đối với các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì dự thi tại trường hoặc cụm thi liên trường THPT của tỉnh (do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH) nên cũng sẽ không khó khăn hơn những năm trước đây.
Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kì thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ);
Nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2);
Có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ).
Nhưng, trong kì thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi;
Với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi; do vậy, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kì thi.
Không có thí sinh điểm cao trượt đại học
Trước đây các em đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ trước sau đó mới dự thi nên chưa có đủ cơ sở để lựa chọn ngành học phù hợp với kết quả thi của mình. Từ đó dẫn tới có em đạt điểm thi cao nhưng vẫn trượt đại học, hoặc có em lại đăng ký dự thi vào các trường có điểm trúng tuyển cao hơn rất nhiều so với kết quả thi của mình.
Năm nay, sau khi có kết quả thi rồi các em mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, mỗi Giấy chứng nhận kết quả được sử dụng để đăng ký tối đa 4 nguyện vọng khác nhau vào một trường ĐH, CĐ.
Đặc biệt, ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1), trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Ở các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Trong thời gian đăng ký xét tuyển sinh, cứ 3 ngày một lần, trường ĐH, CĐ công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp để thí sinh tham khảo.
Tất cả những điều chỉnh nói trên đều hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh, do đó sẽ giảm được áp lực thi cho thí sinh.
Phân biệt cụm thi xuất phát từ thực tế
Việc tổ chức các cụm thi như đã nói ở trên là xuất phát từ tình hình thực tế, hướng tới đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Với các thí sinh dự thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì thuận lợi hơn các năm trước, với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT thì không khó khăn hơn.
Tất cả các cụm thi đều được tổ chức theo cùng một quy chế với quy trình giống nhau, hướng tới tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc và công bằng. Vai trò của các trường ĐH, các sở GDĐT là rất lớn trong kỳ thi này.
Cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng xuất phát từ từ nhu cầu của học sinh và các bậc phụ huynh.
Không có việc chặn bớt con đường vào ĐH, CĐ của các em học sinh. Các em là người quyết định lựa chọn và đăng ký mục đích dự thi của mình. Điều này các em và gia đình đã cân nhắc, định hướng từ lâu, và nhất là khi các em học lớp 12.
Trong thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định, các em có thể thay đổi những nội dung trong phiếu đăng ký dự thi (bao gồm cả mục đích dự thi). Với những quy định như vậy, các em có đủ thời gian để quyết định mục đích dự thi của mình.
Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT còn có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng (năm 2015 có hơn 200 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng).
Miễn thi Ngoại ngữ các trường tự quyết
Việc miễn thi Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhằm tạo động lực tích cực để học sinh thực học ngoại ngữ có chất lượng với cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Bộ GD-ĐT quy định chỉ những chứng chỉ quốc tế có uy tín, do các trung tâm khảo thí có uy tín cấp mới được sử dụng để miễn thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường ĐH, CĐ tự quyết định việc có sử dụng việc miễn thi Ngoại ngữ để tuyển sinh hay không.
Trong quá trình thực hiện, sẽ đi kèm với kiểm tra, giám sát, xử lí sai phạm.Với kỳ thi đáp ứng 2 mục đích, đề thi sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi mức độ cơ bản, phù hợp với học sinh THPT và học viên GDTX. Thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi đó là có thể đỗ tốt nghiệp rồi.
Ngoài ra đề thi sẽ có các câu hỏi mức độ khó để phân hóa trình độ thí sinh để xét tuyển ĐH-CĐ. Đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, chứ không đặt nặng việc thí sinh ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Bộ đã sớm hoàn thành việc xây dựng ma trận đề thi làm cơ sở để xây dựng đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia.
Tác giả: Ban biên tập nhà trường
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05/12/2024
26/11/2024
17/11/2024
12/11/2024
03/11/2024
27/10/2024
20/10/2024
13/10/2024